Cấy Implant xương bướm cho bệnh nhân bị tiêu xương hàm trên
Hiện tượng tiêu xương hàm trên không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng ăn nhai của bệnh nhân mà còn cản trở việc phục hình răng bằng giải pháp Implant. May mắn thay, kỹ thuật cấy Implant xương bướm đã khắc phục được những khó khăn do tiêu xương hàm trên gây ra, giúp bệnh nhân có cơ hội trồng lại hàm răng mới.
Tiêu xương hàm trên – Nguyên nhân và hậu quả
Tiêu xương hàm trên hay còn gọi là tiêu xương ổ răng hàm trên là tình trạng xương hàm bị teo do suy giảm về số lượng, mật độ, thể tích xương hàm. Nguyên nhân chủ yếu gây tiêu xương hàm trên là do mất răng lâu năm không được điều trị hoặc do bệnh lý răng miệng nghiêm trọng kéo dài như viêm nha chu.
Tiêu xương hàm là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất do mất răng gây ra. Khi bị tiêu xương hàm, bệnh nhân sẽ đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn như:
- Teo nướu: Mật độ và số lượng xương hàm suy giảm sẽ dẫn đến phần xương ở vị trí mất răng bị lõm vào, nướu dần bị teo lại.
- Biến dạng khuôn mặt: Mất xương sẽ khiến xương hàm không còn đủ lực để nâng đỡ các cấu trúc xung quanh, khiến cho khuôn mặt dần biến dạng. Sau một thời gian tiêu xương, khuôn miệng sẽ trở nên móm mém hơn, mặt có xu hướng lệch hẳn về phía không bị mất răng, da chảy xệ và lão hóa trước tuổi.
- Xoang hàm mở rộng: xương hàm trên thông với xoang hàm. Do đó, khi bị tiêu xương, xoang hàm sẽ dần mở rộng ra và hạ khiến cho xương hàm bị phá hủy và tiêu biến nhanh hơn.
- Ăn nhai khó khăn: Khi bị tiêu xương hàm, việc ăn nhai sẽ càng trở nên khó khăn do cả nướu và xương đều bị ảnh hưởng. Nhiều bệnh nhân bị mất răng tiêu xương phải ăn những thức ăn mềm như cháo, súp… trong thời gian dài khiến sức khỏe và tinh thần giảm sút.
- Tăng nguy cơ mất răng hàng loạt: Khi xương hàm bị tiêu biến, các răng xung quanh dần bị xô lệch về phía răng bị mất. Dần dần, bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng mất cân bằng khớp cắn, các răng khác có nguy cơ lung lay và dẫn đến mất răng hàng loạt.
- Gây khó khăn cho việc phục hồi răng: Tiêu xương hàm trên trầm trọng là lý do lớn nhất cản trở việc phục hồi răng bằng giải pháp Implant. Xương hàm không đủ số lượng và mật độ để nâng đỡ và ổn định trụ Implant, khiến cho Implant bị đào thải và dẫn đến điều trị thất bại.
Hầu hết các bệnh nhân bị tiêu xương hàm trên muốn phục hình bằng biện pháp trồng răng Implant đều cần phải thực hiện các thủ thuật nâng xoang hàm hoặc phẫu thuật ghép thêm xương.
Tuy nhiên, những thủ thuật này sẽ làm tăng mức độ xâm lấn, tăng chi phí và thời gian điều trị. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện dẫn đến không thể trồng răng mới.
Cấy Implant xương bướm cho bệnh nhân bị tiêu xương hàm trên
Kỹ thuật cấy ghép Implant xương bướm đã tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực Implant nha khoa, mở ra cơ hội cho những bệnh nhân bị tiêu xương hàm trên thực hiện trồng răng Implant để phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mỹ cho nụ cười của mình.
Khi xương hàm trên không đủ tiêu chuẩn để thực hiện trồng răng Implant thông thường, bệnh nhân có thể cân nhắc lựa chọn cấy Implant xương bướm.
Kỹ thuật này sử dụng vùng xương bướm với mật độ dày đặc để tạo lực nâng đỡ trụ Implant và phục hình trên Implant. Các Implant với chiều dài tối thiểu 15mm sẽ được đặt vào khu vực xương cánh bướm theo một góc nghiêng khoảng 45-55 độ.
Cấy ghép Implant xương bướm đã mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho bệnh nhân mất răng hàm trên lâu năm hoặc không răng bẩm sinh, bao gồm:
1. Không bị ảnh hưởng bởi tình trạng xương hàm
Vì trụ Implant không được cấy vào xương hàm mà cấy vào vùng xương bướm nên tình trạng xương hàm của bệnh nhân sẽ không ảnh hưởng đến quá trình cấy ghép. Đây là một lợi thế lớn đối với những bệnh nhân bị tiêu xương do mất răng hàm trên lâu năm hoặc không răng bẩm sinh.
Với những bệnh nhân nâng xoang, ghép xương hay cấy ghép Implant thông thường bị thất bại cũng có thể thay thế bằng Implant xương bướm để phục hồi lại răng bị mất, cải thiện khả năng ăn nhai và nâng cao sức khỏe.
2. Không cần phẫu thuật nâng xoang, ghép xương
Implant xương bướm cho phép Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cấy trụ Implant ngay lập tức mà không cần phẫu thuật nâng xoang hay ghép xương để tăng lượng xương hàm. Nhờ đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và yên tâm hơn khi điều trị.
3. Hạn chế xâm lấn và biến chứng
Vì quy trình thực hiện đơn giản, tránh được các thủ thuật như nâng xoang, ghép xương nên cấy ghép Implant xương bướm sẽ giúp hạn chế tối đa xâm lấn và giảm thiểu sang chấn, biến chứng.
4. Có thể phục hình tức thì
Sau khi thực hiện phẫu thuật cấy trụ Implant, bệnh nhân có thể lắp phục hình tạm tức thì để hỗ trợ ăn nhai trong quá trình chờ lành thương và tích hợp xương. Việc ăn uống sẽ dễ dàng hơn và bệnh nhân cũng thấy tự tin hơn khi cười, giao tiếp.
Xem thêm: Tại sao nên cấy ghép Implant xương cánh bướm?
5. Có thể kết hợp với các kỹ thuật Implant khác
Với trường hợp vừa mất răng ở vùng răng sau vừa mất răng ở vùng răng trước, mất nhiều răng hoặc mất răng nguyên hàm, Bác sĩ có thể sử dụng Implant xương bướm kết hợp với các phương pháp Implant khác để phục hồi răng toàn diện cho bệnh nhân.
6. Rút ngắn thời gian và chi phí điều trị
Cấy Implant xương bướm giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí với quy trình thực hiện nhanh chóng, giản lược được các thủ thuật nâng xoang, ghép xương. Quá trình lành thương diễn ra nhanh và thuận lợi hơn, từ đó dễ dàng tích hợp xương hơn.
Cấy Implant xương bướm cho bệnh nhân tiêu xương hàm trên đã được chứng minh trong nhiều thập kỷ với tỷ lệ thành công hơn 95%, mang lại nụ cười hoàn hảo và khôi phục chức năng ăn nhai cho nhiều bệnh nhân mất răng. Để tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật này, các bạn có thể liên hệ với Trung tâm Implant Việt Nam để nhận tư vấn chính xác từ chuyên gia Implant của chúng tôi.
Bài viết liên quan
- Thời gian thực hiện cấy ghép Implant xương bướm
- Mất răng hàm trên lâu năm: Điều trị với Implant xương bướm
- Cấy ghép Implant xương bướm - Bệnh nhân cần lưu ý gì?
- Tiêu xương hàm trên - Hậu quả và giải pháp
- Implant xương bướm: cân nhắc giải phẫu và vị trí phẫu thuật
- Các bước chuẩn bị trước khi cấy ghép Implant xương bướm
- Sự khác biệt giữa Implant xương bướm và Implant truyền thống
- Tìm hiểu về cấu trúc của xương bướm