Bị mất răng hàm - Nguyên nhân và cách điều trị
Cấu trúc và chức năng của răng hàm
Bị mất răng hàm vô cùng nguy hiểm bởi chức năng quan trọng của nhóm răng này. Răng hàm là nhóm răng đóng vai trò chính trong hoạt động ăn nhai của hàm răng.
Răng hàm bao gồm 3 răng là răng số 6 (răng hàm thứ nhất), răng số 7 (răng hàm thứ 2) và răng số 8 (răng hàm thứ 3 hay còn gọi là răng khôn, có thể có hoặc không).
Về cấu trúc theo chiều dọc răng hàm bao gồm 3 phần: Phần thân răng là phần răng có thể nhìn thấy được và nằm bên trên, phần chân răng là phần răng không thể nhìn thấy, nằm bên dưới nướu răng và cắm chặt vào trong xương hàm, phần cổ răng là phần nối liền thân răng và chân răng.
Về cấu trúc giải phẫu theo chiều ngang thì răng hàm gồm có 3 lớp: men răng là lớp ngoài cùng, tiếp đến là ngà răng và phía trong cùng là tủy răng. Men răng là lớp mô cứng nhất của cơ thể, có màu trắng và có thể nhìn thấy được, có chức năng bảo vệ ngà và lớp tủy răng bên trong.
Răng hàm có kích thước to, bề mặt nhai rộng và gồ ghề nhằm giúp cắn xé và nghiền nát thức ăn. Răng hàm số 6 và 7 đóng vai trò rất quan trọng trong việc ăn nhai và ổn định khớp cắn. Trong đó khi ăn, lực nhai sẽ tập trung dồn về răng số 6. Răng hàm số 7 hỗ trợ nhai nghiền thức ăn.
Ngoài ra các răng hàm này kết hợp với các răng còn lại trên cung hàm, cùng với môi và lưỡi hỗ trợ hoạt động phát âm, giúp phát âm rõ và chính xác. Nếu bị mất răng, có thể dẫn đến tình trạng nói ngọng, phát âm không tròn vành, rõ chữ.
Răng hàm số 8 tức răng khôn hầu như không có chức năng ăn nhai và phát âm, ngược lại chúng tồn tại nhiều tiềm ẩn nguy hiểm đến sức khỏe răng miệng, nên thường được chỉ định nhổ bỏ.
Nguyên nhân nào khiến bạn bị mất răng hàm?
Có rất nhiều bệnh nhân bị mất răng hàm đến trung tâm Implant Việt Nam để phục hình lại răng. Bác sĩ sẽ chỉ ra những nguyên nhân dễ gây ra tình trạng mất răng hàm để cho bạn có thể tham khảo và phòng tránh.
1. Bệnh sâu răng
Sâu răng là bệnh lý răng miệng dẫn đến mất răng nhiều nhất ở cả trẻ em, người trẻ và người già.
Như chúng tôi đã chia sẻ, răng hàm giữ vai trò ăn nhai chính nên là nhóm răng dễ bị giắt thức ăn thừa và cũng là nhóm răng khó làm sạch nhất do nằm ở vị trí khuất trên cung hàm. Điều này khiến nhóm răng hàm dễ bị tích tụ mảng bám, hình thành vôi răng và tạo điều khiển cho vi khuẩn tấn công gây sâu răng.
Ở giai đoạn đầu, sâu răng không có triệu chứng nên khó phát hiện. Khi phát hiện và điều trị, nhiều trường hợp sâu răng quá nghiêm trọng, thậm chí sâu ăn gần hết răng chỉ còn chân răng làm gia tăng tỷ lệ phải nhổ răng sâu.
2. Bệnh nha chu
Viêm nha chu là giai đoạn phát triển của bệnh viêm nướu. Khi viêm nướu không được điều trị hoặc tái phát nhiều lần, mô nướu và nha chu sẽ bị tổn thương ngày một trầm trọng, hình thành các túi nha chu.
Bệnh nha chu gây ra nhiều ảnh hưởng, răng thường xuyên bị đau và chảy máu, dễ bị lung lay. Bệnh nhân chỉ có thể tích cực điều trị để không cho bệnh tiến triển nặng hơn chứ không thể hồi phục sức khỏe nướu như lúc ban đầu. Nếu viêm nha chu không được điều trị thì mất răng sẽ là hậu quả tất yếu.
3. Viêm tủy răng
Viêm tủy răng xảy ra khi vi khuẩn thâm nhập vào tủy răng (nơi chứa hệ thống dây thần kinh và mạch máu để nuôi dưỡng răng khỏe mạnh) và gây viêm nhiễm tủy răng. Sâu răng, mòn răng, nứt gãy răng, chấn thương răng đều có thể làm lộ tủy và tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công tủy.
Nếu không kịp thời chữa tủy, viêm tủy răng không chỉ gây đau đớn, sưng vùng hàm - mặt mà còn có thể phải nhổ răng, thậm chí vi khuẩn có thể vào đường máu gây nhiễm trùng máu, viêm mô tế bào, đe dọa sức khỏe toàn thân.
4. Mòn răng
Mòn răng do chăm sóc và vệ sinh răng sai cách, thói quen nghiến răng, hoạt động ăn nhai quá mạnh trong thời gian dài, chấn thương răng… sẽ làm tổn thương đến bề mặt cấu trúc răng, có thể gây nứt – gãy - vỡ răng hoặc các bệnh lý răng miệng khác làm tăng nguy cơ mất răng.
5. Chấn thương răng
Tai nạn, va đập, đánh nhau… có thể dẫn đến những chấn thương cơ thể, đặc biệt là chấn thương vùng răng miệng. Người bị tác động có thể chảy máu răng, lung lay răng, nứt răng, gãy - vỡ răng thậm chí là bị rụng răng. Nhiều trường hợp cấp cứu nha khoa nhưng không thể phục hồi răng hoặc buộc phải nhổ răng để đều trị.
6. Bệnh về xương hàm
Các bệnh lý về xương hàm sẽ khiến xương hàm không đủ chất lượng và số lượng để giữ răng bám chắc, đứng vững trong xương. Răng có thể bị lung lay, thậm chí bị rụng.
7. Tuổi tác
Tuổi tác cũng là nguyên nhân thường gặp dẫn đến mất răng hàm. Người càng lớn tuổi thì các bộ phận trên cơ thể sẽ trở nên yếu đi do quy luật lão hóa tự nhiên. Thêm vào đó, hoạt động ăn nhai trong thời gian dài cũng bào mòn răng và khiến răng dễ bị thương tổn, cuối cùng là mất răng.
8. Thiếu răng bẩm sinh
Một số trường hợp khá hiếm gặp nhưng có xảy ra đó là bệnh nhân bị thiếu răng hàm bẩm sinh do di truyền, hội chứng đặc biệt chẳng hạn như loạn sản ngoại bì hoặc do một số bất thường trong quá trình hình thành và phát triển của răng…
Bị mất răng hàm có sao không?
Nhiều người cho rằng bị mất răng hàm chỉ là vấn đề thẩm mỹ nên không quá chú trọng. Lâu dần, khi mất răng hàm gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng thì bệnh nhân mới tá hỏa và tìm cách khắc phục, nhưng lúc này việc điều trị diễn ra phức tạp và tốn kém hơn nhiều.
Chúng tôi sẽ giải thích những hậu quả do mất răng hàm gây ra (ở đây chỉ nói về mất răng hàm số 6 và 7), để bạn có thể nhận thức được mức độ nguy hiểm, từ đó biết cách phòng ngừa và nhanh chóng điều trị nếu không may gặp phải vấn đề này.
1. Ảnh hưởng thẩm mỹ
Tuy nhóm răng hàm nằm ở vị trí khuất nhưng chúng vẫn có thể bị lộ ra khi bạn cười hoặc giao tiếp. Do đó, bị mất răng hàm, đặc biệt là răng hàm số 6 sẽ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, mất răng hàm kéo dài sẽ dẫn đến việc xương hàm bị tiêu, các răng có xu hướng dịch chuyển về phía khoảng trống mất răng làm xô lệch khớp cắn, mặt dần bị lệch kém hài hòa, nướu dần bị teo, má dần bị trũng trông già trước tuổi.
2. Ảnh hưởng sức khỏe
Răng hàm đóng vai trò ăn nhai chính nên nếu mất răng hàm sẽ làm giảm khả năng cắn, nhai và nghiền thức ăn. Thức ăn không được nghiền nát đi vào hệ tiêu hóa sẽ khiến hệ tiêu hóa hóa làm việc nhiều hơn, gia tác các bệnh về đường tiêu hóa.
Đồng thời, răng hàm bị mất làm gây xô lệch răng, mất cân bằng khớp cắn, làm tiêu xương hàm, từ đó tăng nguy cơ tổn thương và mất các răng còn lại.
Khi bị mất răng, đặc biệt là mất nhiều răng và mất răng lâu năm, bệnh nhân dường như không thể ăn uống đa dạng như người có răng đầy đủ, thậm chí nhiều người cao tuổi bị mất răng chỉ có thể ăn đồ lỏng, mềm… khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, sức khỏe suy yếu, miễn dịch kém. Mất răng hàm cũng là một trong những lý do gây loạn năng khớp thái dương hàm, đau đầu, đau tai và vùng mặt, cổ.
3. Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống
Mất răng hàm khiến bệnh nhân bị suy giảm sức khỏe răng miệng, suy giảm sức khỏe toàn thân. Đồng thời tâm lý tự ti do mất răng khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong công việc, tình cảm và cuộc sống, ảnh hưởng đến giao tiếp và hòa nhập xã hội.
4. Ảnh hưởng phát âm
Như đã nói, răng kết hợp với môi và lưỡi giúp chúng ta phát âm tròn vành, rõ chữ. Do đó, nếu bị mất răng thì khả năng phát âm của chúng ta sẽ giảm, âm phát ra không có độ chính xác cao và khó nghe.
Điều trị cho bệnh nhân bị mất răng hàm
Khi bị mất răng hàm, việc thăm khám và điều trị sớm không chỉ giúp việc phục hình răng thuận lợi mà còn giúp tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị. Có 3 phương pháp phục hình răng hàm phổ biến bao gồm Trồng răng Implant, cầu răng sứ và răng giả tháo lắp.
1. Trồng răng Implant
Trồng răng Implant (Cấy ghép răng Implant) là kỹ thuật phục hình răng bị mất hiện đại nhất hiện nay.
Cấu tạo của răng Implant tương tự như một chiếc răng tự nhiên, bao gồm chân răng (được làm bằng trụ Titanium cắm trực tiếp vào xương hàm), thân răng (được làm bằng sứ) và khớp nối Abutment đóng vai trò như cổ răng, kết nối thân răng và chân răng.
Dù là phương pháp mới nhưng trồng răng Implant ngày càng nhận được sự ưu ái lựa chọn của Khách hàng bị mất răng vì độ bền chắc cao (có thể dùng trọn đời nếu chăm sóc tốt), ăn nhai chắc chắn như răng thật, thẩm mỹ tự nhiên, ngăn chặn được tình trạng tiêu xương, không tác động đến các răng khác khi thực hiện.
2. Cầu răng sứ
Cầu răng sứ là phương pháp phục hình răng sử dụng một dãy cầu răng lắp lên 2 răng trụ 2 bên răng bị mất để giúp cải thiện chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.
Đối với mất răng hàm, cầu răng sứ chỉ có thể sử dụng cho trường hợp mất răng hàm số 6 và có răng số 5 và răng số 7 khỏe mạnh để làm trụ, không áp dụng cho mất răng hàm số 7 vì lúc này không có răng làm trụ đỡ.
Cầu răng sứ đáp ứng nhu cầu ăn nhai và thẩm mỹ khá tốt, nhưng không ngăn chặn được tình trạng tiêu xương do không có chân răng và cần phải mài răng thật khác để làm trụ. Theo thời gian các răng bị mài có thể bị suy yếu. Thời hạn sử dụng của cầu răng thường ở mức 5 – 7 năm.
3. Hàm giả tháo lắp
Hàm tháo lắp là phương pháp điều trị mất răng lâu đời, được nhiều người lớn tuổi lựa chọn. Hàm tháo lắp có cấu tạo gồm một khung nền bằng nhựa hoặc kim loại, bên trên có gắn các răng giả bằng nhựa hoặc sứ (số lượng răng giả phụ thuộc vào số lượng răng cần phục hình), có thể tháo lắp dễ dàng.
Điều trị mất răng bằng hàm giả tháo lắp có ưu điểm là nhanh, rẻ. Tuy nhiên, chỉ phục hồi ăn nhai và thẩm mỹ mức cơ bản, không thể ngăn chặn tình trạng tiêu xương, có thể bị đau và rơi ra trong quá trình sử dụng, tuổi thọ ngắn.
Do đó, Bác sĩ chỉ khuyến khích dùng trong trường hợp bệnh nhân không đủ sức khỏe để cấy Implant hoặc có điều kiện tài chính không thấp.
Quý khách thân mến, trung tâm Implant Việt Nam vừa đưa ra nguyên nhân, hậu quả và giải pháp điều trị tình trạng bị mất răng hàm. Ngay khi có dấu hiệu bất thường về răng, quý khách có thể liên hệ tư vấn và đặt lịch thăm khám càng sớm càng tốt để bảo tồn tối đa răng thật, tránh tình trạng mất răng nhé!
Bài viết liên quan
- Mất 1 răng hàm có sao không?
- Tác hại của mất răng hàm và giải pháp khắc phục
- Bị mất răng hàm - Nguyên nhân và cách điều trị
- Bảo hành trồng răng Implant tại trung tâm Implant Việt Nam
- Phục hình cầu răng trên trụ implant là gì?
- Trồng răng Implant không đau tại Implant Việt Nam
- Ưu điểm trồng răng trả góp tại Trung tâm Implant Việt Nam
- Tất tần tật những điều cần biết về implant